Showing posts with label công ty quản lý khách sạn vhg. Show all posts
Showing posts with label công ty quản lý khách sạn vhg. Show all posts

Chủ khách sạn sợ Airbnb

Lâu nay Airbnb chỉ được coi như “ngoại biên” do có đối tượng khách hàng khác biệt với khách hàng của khách sạn, nhưng giờ đã bị các khách sạn săm soi.
 
Lúc mới ra đời, Airbnb là trang mạng “hippie”, giúp người sử dụng có thể nghỉ qua đêm tại nhà người dân địa phương. Tuy nhiên, chưa đầy 6 năm sau khi thành lập, dịch vụ này đã vượt quá 11 triệu khách ở cấp toàn cầu, với chỉ chưa tới 1.000 nhân viên.
 
Lãnh đạo Airbnb hiện đã nhắm đến việc niêm yết Công ty trên sàn chứng khoán ngay trong năm nay. Và giá trị thị trường của Công ty có thể lên đến 10 tỉ USD, cao hơn chuỗi khách sạn Hyatt và không cách biệt nhiều với Accor. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của loại hình dịch vụ này”, Sébastien Bazin, lãnh đạo tập đoàn khách sạn Accor, thú nhận. “Chúng tôi muốn có thêm sự minh bạch về doanh thu do hoạt động này (Airbnb) tạo ra”.
 
Tại Pháp, theo tờ Le Figaro, các chủ khách sạn đang đề nghị sửa Luật Duflot về nhà ở để đẩy lùi “phong trào người người cho thuê phòng”. Theo luật này, cá nhân có quyền thuê nhà mà không cần phải đăng ký, nếu cho thuê ngắn hạn. Và đây cũng là một trong những bộ luật Airbnb đã dựa vào để kinh doanh.
Không phải duy nhất
Airbnb không phải là trang web duy nhất cho phép du khách đi lẻ khỏi phải nhờ cậy đến khách sạn và công ty lữ hành. Tập đoàn HomeAway (Mỹ) cũng quảng cáo dịch vụ cho thuê nhà tại các khu vực nghỉ hè nổi tiếng và lấy phí của người đăng quảng cáo cho thuê nhà. HomeAway được thành lập vào năm 2004 và nay đã quảng cáo đến 650.000 địa điểm có nhà hoặc phòng cho thuê ở 190 quốc gia. Về kinh doanh, năm 2013, Tập đoàn đã đạt đến 350 triệu USD doanh thu. Tập đoàn này cũng kết hợp với trang mạng Abritel và Homelidays của Pháp.
 
“Mục tiêu của chúng tôi là khách đi cùng gia đình, với thời gian lưu trú trung bình một tuần, không giống khách của Airbnb”, ông Brian Sharples, Tổng Giám đốc HomeAway, cho biết. Ông nói thêm rằng tập đoàn của ông sẽ vẫn đeo đuổi chiến lược này và dự báo dịch vụ cho thuê giữa các cá nhân với nhau sẽ tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ.
 
Airbnb cũng đang tìm cách có thêm khách hàng ở những nơi khác (hiện nay, trang mạng này chỉ tập trung vào các đô thị) cũng như tìm khách lưu trú dài ngày hơn.
 
Đối với khách du lịch người Pháp, Airbnb là lựa chọn hàng đầu. Công ty Mỹ này vừa cho biết có 1 triệu người Pháp đã sử dụng dịch vụ của mình kể từ khi Airbnb ra mắt vào năm 2008; riêng năm 2013, có đến 450.000 người Pháp đã dùng dịch vụ lần đầu tiên.
 
Không sợ người lạ trong nhà
 
 
Giao Diện website của AIRBNB
 
Thủa ban đầu, đây là một ý tưởng đơn giản: tạo thuận lợi cho việc cho thuê căn hộ giữa các cá nhân. Nó do 3 doanh nhân trẻ người Mỹ thực hiện: Brian Chesky và Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk. “Lúc đó, mọi người đều nghĩ rằng nó là một ý tưởng quái lạ”, Blecharczyk nhớ lại. “Người ta nói: Bạn không sợ có người lạ ngủ trong nhà bạn à?”.
 
Năm năm sau, công thức này đã có nhiều người đi theo. Airbnb hiện có hơn 600.000 chỗ ở tại hơn 192 quốc gia (trong đó có cả Việt Nam). Mỗi đêm, có gần 150.000 khách ngủ trọ nhờ dịch vụ của Airbnb.
 
Thành công nói trên đã khiến các ông chủ khách sạn e ngại. Họ cáo buộc Airbnb đã cạnh tranh không lành mạnh với họ. Theo họ, hoạt động của công ty này không được kiểm soát, do đó không chịu thuế, cho phép hạ giá khiến họ không cạnh tranh nổi. Hơn nữa, nó còn khuyến khích việc kinh doanh lưu trú bất hợp pháp.
 
Để phản công, gần đây Airbnb đã tung ra một chiến dịch lớn nhằm “quyến rũ” các nhà lập pháp ở nhiều nước trên thế giới. “Chúng tôi nhận thức được rằng mô hình của chúng tôi và lợi ích kinh tế của nó là không rõ ràng nếu chỉ nhìn thoáng qua”, Blecharczyk thừa nhận. Tại Pháp, Airbnb đã mướn một nhóm nghiên cứu chứng minh rằng hoạt động của họ tại Paris đã tác động tích cực về mặt kinh tế, đem lại 185 triệu euro cho Thành phố một cách trực tiếp lẫn gián tiếp.
 
Một khách ở trong căn hộ cho thuê thông qua Airbnb tiêu trung bình 125 euro/ ngày, ngoài tiền phòng, so với 82 euro/ngày của một khách ở khách sạn. “Đương nhiên có những thứ khách sạn làm tốt hơn chúng tôi và ngược lại”, Blecharczyk cho biết. “Hoạt động của chúng tôi không gây hại cho ngành khách sạn...”. 
Sưu Tầm Internet

Khách sạn hạng sang đắt hàng

Trước đây, các khách sạn hạng sang chỉ cần một phòng Tổng thống (presidential suite) - tên gọi chung cho loại phòng cao cấp nhất, đắt nhất trong các khách sạn sang trọng - là đủ. Nhưng giờ họ đang thấy không thể đáp ứng đủ nhu cầu khi có quá nhiều khách muốn được trở thành “Tổng thống”.
 
Các hạng phòng suite sang trọng như phòng Tổng thống thực sự đang lên cơn sốt. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, Rosewood Hotels & Resorts đang gia tăng tỉ lệ phòng suite tại các khu resort của mình lên tới hơn 40% tổng số phòng, tăng từ mức khoảng 30%, Chủ tịch Tập đoàn Radha Arora cho biết.
 
Tại khách sạn Mandarin Oriental ở Barcelona, các phòng suite có tỉ lệ lấp đầy vào khoảng 80%, cao hơn các phòng thông thường ở Khách sạn. Hiện giờ Mandarin Oridental đang xây thêm một tòa nhà ngay sát bên, mà ở tòa nhà này, 17 trong 22 phòng mới sẽ là phòng suite. Peninsula Hotels và St. Regis - thương hiệu hạng sang thuộc Starwood Hotels & Resorts Worldwide - cũng tăng thêm số phòng suite khi họ xây dựng các khách sạn và nâng cấp các khách sạn hiện có.
 
Loại phòng suite rộng thênh thang với một dãy phòng nhỏ hơn có giá thuê lên tới hàng chục ngàn USD cũng đắt khách. Sau khi Maybourne Hotel Group cho xây phòng Apartment - loại phòng suite rộng khoảng 280 m2 với 2 phòng ngủ có khoảng sân lớn, nhìn ra xung quanh thành phố London - tại khách sạn Connaught, Tập đoàn cũng không thể bắt kịp nhu cầu đối với loại phòng có giá tới 23.900 USD/đêm này.
 
“Chúng tôi đã khiến cho khách hàng thất vọng” vì loại phòng này đã được đặt hết, Tổng Giám đốc Stelphen Alden của Maybourne cho biết. Một số khách đã nhảy sang thuê khách sạn của đối thủ. Vì thế Tập đoàn đã phải nhanh chóng xây thêm 2 phòng suite có đặc điểm tương tự có tên gọi là Library và Terrace.
 
 
Một phòng hạng sang của Hà Nội Pearl Hotel
 
Mặc dù các phòng suite không được đặt trước thường xuyên như phòng thường, nhưng chúng lại mang lại lợi nhuận rất cao cho các khách sạn. Ngoài mức giá cao ngất ngưỡng, các khách thuê phòng suite có xu hướng ở dài ngày hơn, quay lại thường xuyên hơn và chi nhiều tiền hơn vào mọi thứ từ chăm sóc spa cho đến dịch vụ phòng, tổ chức tiệc tùng.
 
Giờ khách thuê thường trả theo mức giá phòng niêm yết. Trong khi đó, trước đây, các khách sạn thường phải cho các tập đoàn thuê các loại phòng suite mắc tiền nhất với giá ưu đãi đặc biệt, vì đây là những khách hàng đặt thuê phòng sảnh tổ chức các sự kiện, cuộc họp lớn. Robert Mandelbaum, Giám đốc dịch vụ thông tin nghiên cứu tại PKF Hospitality Research, cho biết: “Trước đây, các khách sạn hiếm khi nào tính 100% giá thuê đối với loại phòng Tổng thống. Nhưng giờ thì ngược lại vì tỉ lệ lấp đầy cao”, ông nói.
 
Thực vậy, các khách sạn giờ đều xem phòng suite đắt tiền là con gà đẻ trứng vàng của họ. “Những phòng suite này là của báu”, Thomas Steinhauer, Tổng Giám đốc khách sạn mới Four Seasons ở Orlando (Mỹ), nhận xét. Khách sạn này dự kiến sẽ được khai trương vào tháng 8 tới, sẽ có 68 phòng suite trong số 444 phòng, trong đó có 1 phòng loại hoàng gia có thể mở rộng thành 9 phòng ngủ.
 
Nhìn chung, các khách sạn hạng sang giờ đã hoàn toàn hồi phục từ sau cuộc suy thoái kinh tế. Tỉ lệ lấp đầy đã đạt 74,6% trong năm 2013, tăng từ mức 63,7% của năm 2009. Giá thuê trung bình một ngày là 290,64 USD vào năm 2013, tăng từ mức 243,88 USD của năm 2009, theo STR Inc.
 
Nhu cầu đối với loại phòng sang trọng tăng một phần là do khách thuê ngày càng lo ngại tính riêng tư bị xâm phạm. Vì thế, các khách sạn giờ rất quan tâm đến việc thiết kế phòng hoàn toàn tách biệt hoặc có lối đi riêng. Những dạng phòng riêng tư tuyệt đối như vậy rất được người nổi tiếng ở Hollywood ưa chuộng để tránh các tay săn ảnh hoặc các gia đình có nhiều tùy tùng đi theo.
 
Hồi tháng 2, khách sạn Ritz-Carlton ở Dallas (Mỹ) đã cho ra mắt loại phòng suite rất riêng tư với diện tích hơn 500 m2. Phòng này có 2 phòng suite nhỏ hơn và 2 phòng thường với giá thuê 7.500 USD/đêm. “Đây là phòng dành cho những người nổi tiếng, người trong hoàng gia, nhà ngoại giao mà có lực lượng an ninh, đầu bếp và người trông trẻ đi theo”, Tổng Giám đốc Roberto van Geenen cho biết.
 
Các phòng suite giờ cũng được thiết kế lại theo hướng linh động hơn, sao cho các khách sạn có thể tăng hoặc bớt phòng theo yêu cầu của khách thuê. Điều đó cho phép khách sạn tăng tỉ lệ lấp đầy và không phải rơi vào cảnh có phòng suite thì quá lớn, hoặc phòng suite thì quá nhỏ. Rosewood London gọi 6 phòng suite xịn nhất của mình là House Suite. Phòng suite lớn nhất có diện tích gần 600 m2 là Grand Manor House Wing, có lối đi và thang máy riêng và có cả mã bưu điện riêng. Grand Manor House Wing có 6 phòng tắm, 3 phòng ngủ và 2 tủ lớn có thể bước vào được, được trang bị nội thất và vật liệu cao cấp. Giá phòng cũng rất tương xứng… tới 41.500 USD/đêm.
 
“Trang bị tận răng” như vậy nhưng các khách sạn cũng dễ bị mất khách. Đối thủ của họ không chỉ là các khách sạn khác mà còn là các ngôi nhà cho thuê sang trọng. Chẳng hạn, Trump International Hotel & Tower Toronto (Canada) đang mất khách thuê là những người nổi tiếng vào tay các ngôi nhà tư nhân. Đó là lý do vào tháng 6 tới, Trump International Hotel & Tower Toronto sẽ tung ra 4 phòng suite kiểu nhà ở riêng tư ở tầng 36 của Khách sạn có thang máy và lối đi riêng. “Chúng tôi muốn khách cảm thấy như họ không phải ở trong một khách sạn”, Tổng Giám đốc Mickael Damelincourt cho biết. 
Công ty quản lý khách sạn VHG. Powered by Blogger.